Tỉnh Bến Tre từ lâu được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng, cây giống” của vùng. Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên đầu ra cây giống ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không bán được cây do thương lái không đến mua, các giai đoạn vận chuyển cây bán cũng khó khăn không kém vì vấn đề dịch bệnh. Nhiều người dân đau đầu khi không tìm được đầu ra cho cây cảnh, cây giống. Ngoài các chủ vườn cây giống, các chủ vườn nông sản cũng chịu hoàn cảnh tương tự.
Cây giống không bán được trong mùa dịch
Sản xuất cây giống là nghề truyền thống của người dân tỉnh Bến Tre cung cấp cho thị trường khắp cả nước; xuất khẩu cả sang Campuchia, Lào. Chỉ tính riêng tại huyện Chợ Lách, hàng năm sản xuất được khoảng 40 triệu sản phẩm cây giống các loại. Đem lại nguồn thu rất lớn cho hộ gia đình; và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thế nhưng ở thời điểm này, cây giống, nông sản tại tỉnh Bến Tre tiêu thụ chậm. Sức mua giảm hơn 70% so cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu bán ở thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Đầu ra khó khăn, kéo theo giá cả sụt giảm, nhà nông thất thu. Theo các hộ sản xuất cây giống ở tỉnh Bến Tre giá cây giống đã giảm hơn 30% so cùng vụ các năm trước. Trong đó các loại giống cây mít, ổi, mãng cầu… rất khó tiêu thụ.
Ông Huỳnh Trần Quốc Phi, là chủ 6 trang trại sản xuất cây giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; đang tồn động hơn 200 nghìn sản phẩm cây giống các loại chia sẻ: “Sản lượng cây giống năm nay ít hơn năm rồi. Giá trên thị trường chỉ còn 15-20%, giảm 70-80%. Có những loại sụt giá rất sâu như cây mít giảm 30%; cây mãng cầu, cây ổi giảm hơn 50%. Bây giờ có nhiều loại rất khó bán. Gần đây dịch bệnh đâu có đi đâu được, chỉ có một vài đơn hàng lẻ từ Tây Nguyên vào chứ đâu có nhiều. Năm nay, chúng tôi khó khăn lắm”.
Nhà vườn nông sản cũng chịu cảnh tương tự
Nhà vườn TP.Cần Thơ nhận định chưa bao giờ nhãn lâm vào tình cảnh như hiện nay. Từ khi hai chợ đầu mối lớn Thủ Đức và Bình Điền tại TPHCM tạm ngưng hoạt động. Nhãn đang chín rộ không có thương lái đến mua. Việc tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống, siêu thị hay bán lẻ trong vùng không được nhiều. Xe tải vận chuyển cũng khó khăn hơn.
Hợp tác xã Thái Thanh (ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đang gặp khó khăn. Nhất là 15 hộ thành viên của hợp tác xã này hiện có trên 85ha nhãn Ido đang chín oằn nhánh. Chờ hái nhưng giá rẻ không đủ thuê nhân công. Nhiều lão nông cho biết, năm nay nhãn Ido trúng mùa 10 tấn/ha. Cao hơn mấy năm trước khoảng 2 tấn/ha nhưng không hái kịp, trái hư rơi rụng đầy. “Hiện giá thương lái mua XK khoảng 35.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm rồi nhưng không ổn định. Quy định vận chuyển hàng hóa mỗi nơi mỗi khác nên làm sao đưa hàng đến chợ, giúp người dân tiêu thụ NS được?”, ông Tư Tín, một lão nông trồng nhãn ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, chia sẻ.